Nguyên tắc của Luật Tố tụng hình sự là những quan điểm, tư tưởng, định hướng chi phối hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự. Trong đó Nguyên tắc suy đoán vô tội được xem là nguyên tắc vàng trong tố tụng hình sự. Thông qua bài viết này, ldlawyer sẽ làm rõ nội dung và vai trò đặc biệt quan trọng của nguyên tắc suy đoán vô tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc được ghi nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế. Cụ thể, khoản 2 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã quy định: “Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”.
Tại Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự mà đây còn được xem là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp.
Theo đó, khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Trách nhiệm hình sự của một chủ thể là loại trách nhiệm pháp lý nặng nề nhất. Một người khi bị kết tội và phải chịu hình phạt sẽ gánh chịu hậu quả rất lớn về tự do, danh dự, tài sản và có thể là quyền được sống.
Do đó, hoạt động kết án, quyết định hình phạt phải được luật định rõ ràng và chỉ do một cơ quan duy nhất có quyền nhân danh Nhà nước thực hiện đó là Tòa án. Như vậy, chỉ khi bản án của Tòa án kết án một người đã có hiệu lực pháp luật thì người đó mới bị coi là có tội và phải chịu áp dụng hình phạt.
Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của nguyên tắc này trong một nền tư pháp hình sự dân chủ, văn minh, các vai trò của nguyên tắc suy đoán vô tội gồm:
Mục tiêu của quá trình giải quyết vụ án hình sự là đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, không có oan sai. Nguyên tắc suy đoán vô tội tạo nền tảng cho hoạt động tố tụng bằng việc đặt ra nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội của người bị tình nghi thuộc về người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và việc chứng minh hành vi phạm tội phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.
Hoạt động chứng minh hành vi phạm tội phải được người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, không thể mặc nhiên người bị tình nghi chính là người phạm tội.
Do đó, nguyên tắc suy đoán vô tội đã định hướng rõ: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
Hoạt động tố tụng hình sự là hoạt động chứng minh hành vi phạm tội của người bị tình nghi do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện tức là hoạt động của một chủ thể mang quyền lực Nhà nước.
Điều này dễ dẫn đến các quyết định mang tính chủ quan của người tiến hành tố tụng. Việc đặt ra nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ tránh tình trạng áp đặt trong tố tụng hình sự, từ đó quyền lợi hợp pháp của người bị buộc tội trong vụ án hình sự được bảo đảm.
Để nguyên tắc suy đoán vô tội được đảm bảo thì hoạt động tố tụng hình sự cần phải thực hiện được các nội dung dưới đây:
1. Trước khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được áp dụng bất cứ hình phạt nào.
2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được định kiến cho rằng người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chắc chắn là người có tội, từ đó dẫn đến việc trong hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tập trung tìm chứng cứ buộc tội và bỏ qua các chứng cứ gỡ tội.
3. Phát triển mô hình tố tụng tranh tụng thay thế mô hình tố tụng thẩm vấn.
Để nguyên tắc suy đoán vô tội luôn được đảm bảo, không thể không nhắc đến vai trò của Luật sư trong các vụ án hình sự. Với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, Luật sư sẽ góp phần thực thi nguyên tắc suy đoán vô tội thông qua các hoạt động:
1. Phổ biến quyền cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự.
2. Tập trung thu thập chứng cứ gỡ tội.
3. Đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
4. Luôn luôn độc lập, khách quan trong hoạt động bào chữa, đặc biệt là khi bào chữa với vai trò Luật sư chỉ định.
5. Thường xuyên trao đổi, tuyên truyền đến cộng đồng về nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự.
Có thể thấy rằng, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội là biểu hiện của nền tư pháp hình sự văn minh, dân chủ và công bằng.
Trên đây là những nội dung Luật sư muốn truyền tải về Nguyên tắc suy đoán vô tội, một nguyên tắc đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự. Hãy theo dõi website ldlawyer.vn để cập nhật những bài viết về pháp luật của Luật sư.
Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc