Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam

Quy trình tố tụng hình sự tại Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào? Hãy cùng ldlawyer đi tìm hiểu chi tiết về quy trình này tại đây nhé!
Tố tụng hình sự là quy trình thực hiện những hoạt động của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây, Luật sư sẽ khái quát về pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam L&D Lawyer

Tố tụng hình sự là quy trình thực hiện những hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng nhằm giải quyết đúng đắn vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây Luật sư sẽ khái quát về pháp luật tố tụng hình sự tại Việt nam.

Tố tụng hình sự là gì?

Tố tụng hình sự là một ngành luật hình thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm các quy định về trình tự giải quyết các vụ án hình sự; thẩm quyền của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa của bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn/bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Các giai đoạn tố tụng hình sự được phân thành giai đoạn khởi tố vụ án hình sự; giai đoạn điều tra vụ án hình sự; giai đoạn truy tố; giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự; giai đoạn xét xử đặc biệt.

Có thể hiểu rằng tố tụng hình sự chính là "kim chỉ nam" của hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. 

Trong quá trình tố tụng hình sự, người/cơ quan tiến hành tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện nhiều công việc như thu thập, đánh giá chứng cứ; lấy lời khai của bị can, bị cáo, người làm chứng,...; trưng cầu giám định; khám nghiệm/thực nghiệm hiện trường; ... làm căn cứ đưa ra các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, căn cứ bào chữa cho bị can bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự với mục tiêu vụ án được giải quyết công bằng, xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng, cũng như duy trì trật tự xã hội.

Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam
Tố tụng hình sự là gì?

Ai tham gia vào quá trình tố tụng hình sự?

Tố tụng hình sự là một quy trình chặt chẽ, phức tạp với sự tham gia đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

  • Cơ quan tiến hành tố tụng: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

  • Người tiến hành tố tụng: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án.

  • Người tham gia tố tụng: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người bào chữa, người giám định, người phiên dịch, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.

Mỗi cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự đều có vai trò quan trọng trong quá trình xác định sự thật khách quan của vụ án.

Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam
Ai tham gia vào quá trình tố tụng hình sự?

Các giai đoạn Tố tụng hình sự

Quy trình tố tụng hình sự tại Việt Nam bao gồm 6 giai đoạn chính, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can

Giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự là khởi tố vụ án hình sự. Trong giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác định vụ việc có hành vi phạm tội hay không, từ đó đưa ra quyết định về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Sau khi khởi tố vụ án, có cơ sở xác định được người bị tình nghi thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố bị can.

Bằng việc khởi tố vụ án, cơ quan có thẩm quyền đã khởi động bộ máy tố tụng để giải quyết vụ án hình sự.

Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam
Giai đoạn 1: Khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can

Giai đoạn 2: Điều tra vụ án hình sự

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có thẩm quyền sử dụng mọi biện pháp pháp lý được quy định để xác định và đánh giá tội phạm, đồng phạm, cũng như mức độ phạm tội để lập hồ sơ vụ án phục vụ cho việc đề nghị truy tố. Khi đã thu thập đủ chứng cứ để xác định tội phạm và người có hành vi phạm tội, cơ quan điều tra phải lập bản kết luận điều tra và đề nghị viện kiểm sát truy tố. Tuy nhiên, ngoài việc buộc tội, cơ quan tiến hành tố tụng còn xem xét, thu thập chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó, cùng với người/cơ quan tiến hành tố tụng, vai trò của Luật sư trong hoạt động gỡ tội cho bị can, bị cáo cũng được thể hiện rõ nét.

Kết quả của giai đoạn này thể hiện bằng việc cơ quan điều tra đưa ra một trong những quyết định sau:

  • Kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát để đề nghị truy tố.
  • Kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra nếu vụ án thuộc thuộc trường hợp đình chỉ điều tra.
Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam
Giai đoạn 2: Điều tra vụ án hình sự

Giai đoạn 3: Truy tố

Sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố từ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ tiến hành xử lý vụ án. Tại giai đoạn này, Viện kiểm sát thực hiện rất nhiều hoạt động tố tụng từ việc quyết định biện pháp ngăn chặn; quyết định khởi tố, khởi tố bổ sung; trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra để thu thập, bổ sung chứng cứ đến quyết định truy tố,... kết quả của giai đoạn này thể hiện bằng việc Viện kiểm sát ban hành một trong các quyết định sau:

  • Quyết định truy tố bị can.
  • Quyết định trả hồ sơ để Yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung.
  • Đình chỉ vụ án hình sự.

Giai đoạn 4: Xét xử sơ thẩm

Đây là giai đoạn trung tâm của hoạt động tố tụng hình sự. Trên cơ sở hồ sơ vụ án và cáo trạng của Viện Kiểm sát, Tòa án sẽ ban hành một trong các quyết định:

  • Đưa vụ án ra xét xử.
  • Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.
  • Đình chỉ vụ án hình sự.

Trường hợp vụ án được đưa ra xét xử thì quá trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự diễn ra như sau:

Phần 1:  Thủ tục của phiên tòa sơ thẩm

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tiến hành kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.

Phần 2: Xét hỏi

Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng, sau đó Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác để làm rõ tình tiết của vụ án. Trình tự xét hỏi bao gồm: Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Phần 3: Tranh luận tại phiên tòa

Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, sau đó Luật sư đối đáp với Kiểm sát viên. Việc tranh luận để làm rõ mọi vấn đề của vụ án, đảm bảo các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội được xem xét đầy đủ, toàn diện.

Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam
Giai đoạn 4: Xét xử sơ thẩm

Phần 4: Giai đoạn nghị án và tuyên án

Sau khi bị cáo nói lời sau cùng, Hội đồng xét xử sẽ nghị án tại phòng nghị án, thảo luận và biểu quyết về từng vấn đề của vụ án. Việc nghị án được lập thành biên bản và thông qua tại phòng nghị án, sau đó Hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử để tuyên án và kết thúc giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Giai đoạn 5: Xét xử phúc thẩm

Bản án/quyết định chưa có hiệu của Tòa án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì sẽ được xét xử theo trình tự phúc thẩm. Theo đó, Tòa án cấp trên trực tiếp sẽ xét xử lại vụ án để kiểm tra bản án/quyết định sơ thẩm đã có căn cứ, đúng pháp luật hay chưa.

Giai đoạn 6: Giai đoạn xét xử đặc biệt, bao gồm giám đốc thẩm và tái thẩm

Giám đốc thẩm và Tái thẩm là giai đoạn xét lại bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực do phát hiện có vi phạm tố tụng nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới phát sinh làm thay đổi bản chất vụ án.

Giai đoạn xét xử đặc biệt giúp quá trình xử lý vụ án diễn ra theo đúng pháp luật và đảm bảo vụ án hình sự được xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai.

Thủ tục kháng cáo trong tố tụng hình sự

Kháng cáo là quyền đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét lại bản án/quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của những người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Đây là thủ tục cực kỳ quan trọng trong tố tụng hình sự để bảo về quyền lợi của những người tham gia tố tụng. Thủ tục kháng cáo được quy định rất chặt chẽ về chủ thể, thời hạn và thủ tục. Trong quá trình thực hiện thủ tục kháng cáo, người kháng cáo cần lưu ý đến những vấn đề sau đây:

1. Những người có quyền kháng cáo

Theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự, những người sau đây có quyền kháng cáo:

  • Bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ.
  • Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ.
  • Người bào chữa cho bị cáo hoặc người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho của bị hại, đương sự là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.
  • Nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
  • Bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
  • Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
  • Người được Tòa án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.
Tố Tụng Hình Sự - Quy Trình Tố Tụng Hình Sự Tại Việt Nam
Thủ tục kháng cáo trong  tố tụng hình sự

​​​​​​2. Thời hạn kháng cáo: 

Căn cứ Điều 333, 335 Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn kháng cáo được quy định như sau:

  • Đối với những người có mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
  • Đối với những người vắng mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
  • Thời hạn kháng cáo quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
  • Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Nếu đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo tính từ ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.
  • Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng.

3. Thủ tục kháng cáo 

Căn cứ Điều 334 Bộ luật Tố tụng hình sự, người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.

Kết luận

Nhìn chung, tố tụng hình sự là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong hệ thống pháp luật. Mọi hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, kháng cáo, kháng nghị đều phải thực hiện theo một trình tự chặt chẽ, phức tạp. Hy vọng bài viết trên sẽ giải đáp được thắc mắc của các bạn về quy trình tố tụng hình sự và các vấn đề liên quan. Theo dõi website ldlawyer.vn để cập nhật các bài viết về luật pháp hàng ngày của Luật sư.

Đăng ký tư vấn miễn phí

Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc

  • Hotline tư vấn và hỗ trợ: 0979.18.28.78
zalo L&D Lawyer