Tại Việt Nam hiện nay, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và tranh chấp đất đai là loại tranh chấp rất phổ biến trong quá trình sử dụng đất. Khi tranh chấp đất đai xảy ra, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hóa giải mâu thuẫn của các bên bằng cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai được luật định cụ thể. Bài viết dưới đây, ldlawyer sẽ làm rõ quy định của pháp luật về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai mới nhất hiện nay!
Tranh chấp đất đai được hiểu là khi các bên tham gia vào quan hệ đất đai phát sinh mâu thuẫn nhưng không được hóa giải dẫn đến tranh chấp về quyền, nghĩa vụ với nhau về đất đai.
Nói cách khác, tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các chủ thể sử dụng đất trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đối với một (hoặc những) thửa đất nhất định. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt tranh chấp đất đai với các dạng tranh chấp liên quan đến hợp đồng, thừa về, hôn nhân và gia đình,... liên quan đến đất đai.
Ví dụ: Ông A và hàng xóm là ông B đều cho rằng phần đất có diện tích 20m2 ở giữa hai nhà là của mình. Hai bên phát sinh mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp. Tranh chấp giữa ông A và ông B là tranh chấp đất đai và được giải quyết theo trình tự luật định.
Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm hóa giải bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên và đưa ra quyết định hoặc phán quyết theo quy định pháp luật nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ pháp luật về đất đai.
Cơ chế giải quyết đất đai được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trình tự và nội dung. Việc giải quyết tranh chấp đất đai có thể thực hiện bằng con đường hành chính hoặc theo thủ tục tố tụng dân sự.
Thông qua việc giải quyết tranh chấp đất đai, Nhà nước có thể thực hiện trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân, thống nhất quản lý về đất đai cũng như hoàn thiện pháp luật về đất đai.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được xác định theo loại vụ việc, cụ thể như sau:
Tranh chấp đất đai mà một trong các bên tranh chấp có giấy chứng nhận (bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và/hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất) hoặc giấy tờ chứng minh có quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai thì chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Tranh chấp đất đai mà các bên không có các giấy tờ nêu trên thì các bên được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết là:
Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc;
Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân được quy định như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Để giải quyết tranh chấp đất, các bên phải thực hiện thủ tục hòa giải tại cơ sở trước khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Theo đó, trường hợp các bên tranh chấp không thể tự hòa giải thì phải gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để yêu cầu hoà giải.
Về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải;
- Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có) và có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
- Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trường hợp hòa thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành văn bản công nhận hòa giải thành và tranh chấp đất đai được giải quyết.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không thực hiện hòa giải thì các bên được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Cần lưu ý, các tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất... không được xem là tranh chấp đất đai nên không bắt buộc thực hiện thủ tục hòa giải tại cơ sở nêu trên.
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại cơ sở nhưng không thành, các bên được quyền yêu cầu Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo trình tự sau:
Sau khi hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã không thành, các bên được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định về tố tụng dân sự. Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi có bất động sản bị tranh chấp.
>> Xem thêm Tìm Hiểu Quy Trình Tố Tụng Dân Sự Tại Việt Nam
Trình tự giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền như sau:
Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh theo thẩm quyền;
Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cho cơ quan tham mưu giải quyết.
Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp. Tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền khiếu nại đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện), Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính.
Tranh chấp chấp đất đai thường là dạng tranh chấp phức tạp. Để giải quyết chính xác, hiệu quả tranh chấp về đất đai, các bên cần lưu các nội dung sau:
Trên đây là nội dung chi tiết về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai. Hãy theo dõi website ldlawyer.vn để cập nhật những thông tin từ Luật sư về các quy định của pháp luật.
Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc