Tư vấn pháp luật

Tranh chấp hợp đồng và các phương thức giải quyết

Tranh chấp hợp đồng khá phổ biến trong giao dịch dân sự và thương mại, phát sinh do các hành vi vi phạm hoặc không thực hiện đầy đủ thỏa thuận trong hợp đồng. Pháp luật quy định các phương thức giải quyết như thương lượng, hòa giải, trọng tài, hoặc tòa án.
Tranh chấp hợp đồng và các phương thức giải quyết L&D Lawyer
Khi tranh chấp hợp đồng xảy ra, sự bất đồng giữa các bên thường dẫn đến những thiệt hại không mong muốn. Để xử lý nhanh chóng và hiệu quả, các bên cần nắm rõ ưu nhược điểm của từng phương thức giải quyết và chuẩn bị kỹ lưỡng các tài liệu cần thiết trước khi bắt đầu quá trình xử lý.

Tranh chấp hợp đồng là gì?

Khái niệm về tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng được hiểu là sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên trong quan hệ hợp đồng liên quan đến quyền, nghĩa vụ hoặc trách nhiệm phát sinh từ việc thực hiện, không thực hiện, hoặc vi phạm các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp hợp đồng có thể phát sinh từ các giao dịch dân sự, thương mại hoặc lao động.

Tranh chấp hợp đồng và các phương thức giải quyết

Phân loại các tranh chấp hợp đồng phổ biến

Trong thực tế, tranh chấp hợp đồng thường xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số loại tranh chấp phổ biến bao gồm:

  • Tranh chấp hợp đồng tín dụng: Đây là loại tranh chấp xảy ra giữa tổ chức tín dụng và khách hàng liên quan đến việc vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ, hoặc các điều khoản khác trong hợp đồng tín dụng.
  • Tranh chấp hợp đồng lao động: Phát sinh khi người lao động và người sử dụng lao động bất đồng về quyền lợi, chế độ đãi ngộ, hoặc nghĩa vụ liên quan đến công việc được ghi trong hợp đồng lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật lao động.
  • Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa: Thường liên quan đến việc giao nhận hàng hóa, chất lượng, số lượng, giá cả hàng hóa hoặc điều kiện thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
  • Tranh chấp hợp đồng đặt cọc: Loại tranh chấp này xuất hiện khi một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết dẫn đến việc bên đặt cọc yêu cầu hoàn trả tiền cọc hoặc bồi thường thiệt hại. Tranh chấp hợp đồng đặt cọc là loại tranh chấp thường xuyên phát sinh trong lĩnh vực đất đai, nhà ở.
  • Tranh chấp hợp đồng xây dựng: Xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà thầu hoặc giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ về tiến độ, chất lượng, giá trị công trình, hoặc thanh toán theo hợp đồng xây dựng.
  • Tranh chấp hợp đồng thuê nhà và tài sản: Phát sinh khi các bên có mâu thuẫn liên quan đến quyền sử dụng tài sản, thời hạn thuê, hoặc các nghĩa vụ khác trong hợp đồng thuê nhà hoặc tài sản.

Tranh chấp hợp đồng và các phương thức giải quyết

Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cần tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và có thể thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại, hoặc khởi kiện tại tòa án

Các vấn đề pháp lý liên quan đến tranh chấp hợp đồng

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng

  • Quy định về thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian mà trong đó các bên có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp. Pháp luật quy định rõ về thời hiệu trong từng loại hợp đồng, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên.
  • Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự: Với hợp đồng dân sự, thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của một bên bị xâm phạm.
  • Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng thương mại: Theo Luật Thương mại, thời hiệu khởi kiện các tranh chấp thương mại là 2 năm kể từ ngày phát sinh hành vi vi phạm hợp đồng.

Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng

  • Các nguyên nhân phổ biến gây tranh chấp: Tranh chấp thường phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng, hoặc các vấn đề không được thỏa thuận rõ ràng từ ban đầu.
  • Hậu quả pháp lý khi xảy ra tranh chấp: Các bên có thể phải bồi thường thiệt hại, trả lãi chậm thanh toán, thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, hoặc đối mặt với rủi ro pháp lý khác như bị phạt vi phạm hợp đồng hoặc mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu.

Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng

  • Điều khoản giải quyết tranh chấp: Việc ghi rõ cách thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng như thương lượng, trọng tài, hoặc tòa án giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí khi tranh chấp xảy ra. Việc xác định cơ quan giải quyết chấp cần phải cụ thể, rõ ràng, không nên chọn cùng lúc nhiều cơ quan giải quyết.
  • Quy định về phạt vi phạm hợp đồng: Để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm, các bên cần thỏa thuận cụ thể mức phạt vừa để đảm bảo tính răn đe, vừa để bảo vệ quyền lợi các bên khi một bên có hành vi vi phạm.
  • Quy định về bồi thường thiệt hại: Việc vi phạm hợp đồng của một bên sẽ dẫn đến bên còn lại có nguy cơ bị thiệt hại, thiệt hại có thể là thiệt hại thực tế xảy ra và cũng có thể là thiệt hại về những lợi ích mà hợp đồng mang lại khi không có hành vi vi phạm hợp đồng. Giữa Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại có sự khác về quy định thỏa thuận trách nhiệm bồi thường thiệt hại, do đó các bên cần căn cứ vào loại hợp đồng để đưa ra thỏa thuận phù hợp.

Phương thức và thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng

  • Tòa án nhân dân: Là cơ quan có thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại tranh chấp hợp đồng khi các bên không đạt được thỏa thuận ngoài tòa án, hoặc không có thỏa thuận trọng tài (đối với hợp đồng thương mại).
  • Trọng tài thương mại: Một phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến trong các hợp đồng thương mại, với ưu điểm đảm bảo tính bảo mật và thời gian giải quyết nhanh.
  • Hòa giải viên: Là phương thức hòa giải ngoài tòa án, hòa giải viên đóng vai trò trung gian hỗ trợ các bên tìm kiếm giải pháp đồng thuận mà không cần phải khởi kiện.

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

  • Thương lượng trực tiếp: Đây là phương thức tiết kiệm thời gian và chi phí, khuyến khích các bên tự giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng.
  • Hòa giải, đối thoại: Từ năm 2020, khi Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra đời, các bên có thêm một phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, hiệu quả, nhanh chóng mà không phải thực hiện thủ tục khởi kiện vốn dĩ mất nhiều thời gian và công sức hơn.
  • Giải quyết tranh chấp tại tòa án: Khi không thể giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoặc hòa giải, các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, lúc này tòa án sẽ thực hiện thủ tục tố tụng dân sự để giải quyết vụ án bằng việc ban hành bản án hoặc quyết định.
  • Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Phương thức thức này chỉ được áp dụng đối với hợp đồng thương mại và các bên có thỏa thuận lựa chọn trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp. Trọng tài sẽ giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng trọng tài và giải quyết vụ án bằng việc ban hành phán quyết hoặc quyết định. Phán quyết hoặc quyết định của trọng tài có hiệu lực pháp luật có giá trị như bản án của Tòa án buộc các bên phải thực hiện.

Nguyên tắc xử lý khi xảy ra tranh chấp hợp đồng

  • Các bước cần thực hiện: Các bên cần đánh giá tình hình, thu thập tài liệu, chứng cứ, và xác định phương án xử lý phù hợp.
  • Thu thập bằng chứng và đối chiếu hợp đồng: Việc tập hợp tài liệu như hợp đồng, biên bản làm việc, và các chứng cứ liên quan là yếu tố quan trọng trong việc chứng minh cho yêu cầu khởi kiện giúp quyền lợi hợp pháp được bảo vệ.
  • Lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp: Dựa trên tính chất tranh chấp và thỏa thuận giữa các bên, việc lựa chọn phương thức giải quyết hợp lý sẽ đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng.

Biện pháp phòng ngừa tranh chấp hợp đồng

Lập hợp đồng rõ ràng và đầy đủ

  • Quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ: Các điều khoản cần được soạn thảo minh bạch, chi tiết, có tính dự báo để tránh hiểu lầm hoặc tranh cãi về sau.
  • Điều khoản xử lý khi vi phạm hợp đồng: Quy định rõ mức phạt, bồi thường thiệt hại và cách thức xử lý khi xảy ra vi phạm, đảm bảo quyền lợi của bên bị phạm được bảo vệ.

Kiểm tra kỹ tính pháp lý của hợp đồng

  • Công chứng hợp đồng nếu cần thiết: Việc công chứng hợp đồng có thể không là bắt buộc nhưng sẽ giúp tăng tính pháp lý và hạn chế rủi ro tranh chấp trong các hợp đồng quan trọng.
  • Kiểm tra thẩm quyền giao kết hợp đồng: Đảm bảo hợp đồng được ký kết bởi đúng chủ tài sản, đúng thẩm quyền hoặc phạm vi đại diện (trong trường hợp ủy quyền).

Lưu ý khi giao kết hợp đồng

  • Xác minh tư cách pháp lý của đối tác: Kiểm tra thông tin pháp lý, uy tín và năng lực của đối tác trước khi ký kết hợp đồng.
  • Ghi nhận phụ lục trong trường hợp sửa đổi hợp đồng: Mọi thay đổi hoặc bổ sung hợp đồng cần được ghi nhận rõ ràng và có xác nhận của các bên ký kết hợp đồng để tránh tranh chấp sau này.

Ví dụ thực tiễn về tranh chấp hợp đồng theo luật pháp Việt Nam

Tranh chấp hợp đồng thương mại tại Việt Nam

Tranh chấp hợp đồng thương mại là loại tranh chấp phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh. Một số ví dụ điển hình bao gồm:

  • Tranh chấp về giao nhận hàng hóa: Một bên không thực hiện giao đúng số lượng, chất lượng hàng hóa hoặc thời gian giao hàng như đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
  • Tranh chấp hợp đồng xây dựng: Chủ đầu tư và nhà thầu bất đồng về tiến độ, chất lượng thi công hoặc chi phí phát sinh ngoài hợp đồng.
  • Tranh chấp hợp đồng dịch vụ logistics: Liên quan đến mất mát, hư hỏng hàng hóa hoặc trách nhiệm bảo hiểm của bên cung cấp dịch vụ vận chuyển.

Các bản án nổi bật liên quan đến tranh chấp hợp đồng

Trong thực tiễn xét xử, nhiều bản án đã trở thành minh chứng cho cách giải quyết tranh chấp hợp đồng. Một số bản án nổi bật gồm:

  • Bản án liên quan đến hợp đồng tín dụng: Ngày 17/05/2019, Ngân hàng Thương mại Cổ phần N đã ký hợp đồng tín dụng số 185/2019/VCB.NĐN.TD với ông Võ Ngọc V, cho vay số tiền 4.200.000.000 đồng với thời hạn 180 tháng nhằm bù đắp tiền mua nhà. Tuy nhiên, ông V đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ, dẫn đến việc ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông V thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của ngân hàng, buộc ông V phải trả số tiền nợ gốc và lãi theo quy định.
  • Bản án về tranh chấp hợp đồng lao động: Tại Bản án số 01/2021/LĐ-PT ngày 17/03/2021, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ tranh chấp lao động cá nhân giữa ông Lee Jong M và Công ty TNHH W. Công ty W đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Lee mà không thuộc các trường hợp được phép theo quy định của Bộ luật Lao động và không có căn cứ chứng minh việc báo trước theo quy định. Tòa án xác định công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và buộc công ty phải chịu các nghĩa vụ theo quy định.
  • Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: Tại Bản án số 02/2022/KDTM-ST ngày 16/03/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty W và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại S liên quan đến hợp đồng mua thuốc bảo vệ thực vật trị giá 38.400 Đô-la Mỹ (USD). Tòa án đã căn cứ vào Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và Luật Thương mại năm 2005 để tuyên buộc Công ty S phải thanh toán cho Công ty W các khoản tiền là: Khoản tiền nợ hàng hóa: 38.400 Đô-la Mỹ và khoản tiền lãi chậm thanh toán: 1.166,4 Đô-la Mỹ, tổng cộng là 39.566,4 Đô-la Mỹ; Hình thức thanh toán: Điện chuyển tiền. Trường hợp thanh toán tại Việt Nam thì thành toán bằng Đồng Việt Nam theo tỷ giá thời điểm thanh toán.
  • Bản án về tranh chấp hợp đồng xây dựng: Tại Quyết định Giám đốc thẩm số: 04/2024/KDTM-GĐT ngày 11/01/2024, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM đã không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. HCM, theo đó giữ nguyên Bản án sơ thẩm và phúc thẩm, buộc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đ thanh toán cho Công ty Cổ phần Xây lắp V số tiền thi công còn nợ là 30.000.000.000 đồng. Đồng thời buộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đ thanh toán tiền lãi chậm thanh toán là 12.565.479.452 đồng và chịu phạt vi phạm số tiền là 2.400.000.000 đồng. Tổng số tiền Công ty Cổ phần Tập đoàn Đ phải trả cho Công ty Cổ phần Xây lắp V là 44.965.479.452 đồng.
  • Quyết định công nhận hòa giải thành của Trọng tài thương mại: Ngày 25/10/2024 Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ban hành quyết định công nhận hòa giải thành trong vụ tranh chấp xây dựng giữa Công ty TNHH Xây dựng P và Công ty Cổ phần Xây lắp C với nội dung Công ty C đồng ý thanh toán cho Công ty P toàn bộ công nợ phát sinh từ hợp đồng thầu phụ giữa hai bên chậm nhất đến ngày 31/12/2024 và Công ty C không phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán và phạt vi phạm hợp đồng.

    Điều đáng nói là, trong vụ án này Công ty P khởi kiện tại VIAC từ ngày 25/6/2024 và đến ngày 25/10/2024 thì vụ việc đã được giải quyết xong nhờ sự thiện chí thương lượng, hòa giải giữa các bên và được Hội đồng trọng tài công nhận.

Những bản án trên là ví dụ điển hình cho việc giải quyết tranh chấp hiệu quả và cũng là minh chứng để các chủ thể khi tham gia quan hệ hợp đồng hiểu được hậu quả pháp lý của việc vi phạm hợp đồng cũng như giá trị của việc thương lượng, hòa giải khi phát sinh tranh chấp.

Hướng dẫn từ án lệ về tranh chấp hợp đồng

Án lệ đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn giải quyết các tranh chấp hợp đồng, cung cấp những bài học thực tiễn, có thể kể đến các án lệ điển hình như sau:

  • Án lệ số 04/2016/AL: Án lệ này giải quyết trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng, nhưng chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng. Nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ tiền theo thỏa thuận, người không ký tên biết và cùng sử dụng số tiền đó, bên nhận chuyển nhượng đã quản lý, sử dụng nhà đất công khai mà người không ký tên không phản đối, thì xác định người đó đồng ý với việc chuyển nhượng.
  • Án lệ số 25/2018/AL: Án lệ này xác định rằng khi bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết do nguyên nhân khách quan từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì bên nhận đặt cọc không phải chịu phạt cọc. Cụ thể, trong vụ việc, bà H nhận đặt cọc để bán nhà cho ông L, với thỏa thuận sẽ hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trong 30 ngày. Tuy nhiên, do cơ quan thi hành án dân sự chậm trễ trong việc chuyển tên quyền sở hữu, bà H không thể thực hiện đúng cam kết. Tòa án xác định đây là lý do khách quan và bà H không phải chịu phạt cọc.
  • Án lệ số 70/2023/AL: Án lệ này giải quyết tranh chấp về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, Công ty K ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn với ông Vương Quốc A. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, ông A được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhưng Công ty K không công nhận. Khi hợp đồng hết hạn, Công ty K đã ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông A. Ông A khởi kiện cho rằng Công ty K chấm dứt hợp đồng với ông là trái luật và phải bồi thường. Quá trình xét xử, Tòa án xác định kết quả bầu ông A giữ chức Chủ tịch công đoàn là không hợp lệ do đó Công ty K chấm dứt hợp đồng lao động với ông A là đúng và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A.

Những ví dụ thực tiễn và hướng dẫn từ án lệ này không chỉ giúp giải quyết tranh chấp hiệu quả mà còn là nguồn tài liệu quý giá để doanh nghiệp và cá nhân phòng ngừa tranh chấp trong tương lai.

 

zalo L&D Lawyer