Vụ việc dân sự là gì?

Vụ việc dân sự là cụm từ được sử dụng nhiều trong đời sống dân sự. Bài viết này, Idlawyer sẽ làm rõ khái niệm vụ việc dân sự theo quy định pháp luật hiện hành.
Vụ việc dân sự là cụm từ được sử dụng nhiều trong đời sống dân sự. Bài viết này, Idlawyer sẽ làm rõ khái niệm vụ việc dân sự theo quy định pháp luật hiện hành.
Vụ việc dân sự là gì? L&D Lawyer

Khái niệm vụ việc dân sự

Vụ việc dân sự theo nghĩa rộng được hiểu là những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực dân sự của các chủ thể cần được giải quyết, bao gồm việc dân sự và vụ án dân sự. Các loại vụ việc dân sự phát sinh trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động.

Việc giải quyết các vụ việc dân sự được thực hiện theo trình tự do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.

Vụ việc dân sự

1. Việc dân sự

Việc dân sự là vấn đề của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực dân sự, mặc dù không có tranh chấp với cá nhân, tổ chức khác nhưng người yêu cầu cần Tòa án giải quyết vấn đề đó để xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự cho họ.

Có thể kể đến các loại việc dân sự phổ biến như: Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích; Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài; Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu; …

2. Vụ án dân sự

Vụ án dân sự là sự tranh chấp của các cá nhân, tổ chức với nhau về quyền và nghĩa vụ dân sự trong lĩnh vực dân sự được Tòa án thụ lý giải quyết theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Có thể kể đến các loại tranh chấp dân sự phổ biến thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như: Tranh chấp hợp đồng; tranh chấp đất đai; tranh chấp thừa kế; tranh chấp ly hôn; tranh chấp về quyền nuôi con, chia tài sản chung khi ly hôn; tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng sau ly hôn; tranh chấp giữa các thành viên trong công ty; tranh chấp về sở hữu trí tuệ; tranh chấp về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội;…

Đương sự trong vụ việc dân sự

Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong vụ án dân sự, đương sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự trong việc dân sự gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

1. Đương sự trong vụ án dân sự

Nguyên đơn là người khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Đương sự trong việc dân sự

Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cách thức giải quyết vụ việc dân sự

1. Cách thức giải quyết việc dân sự

Việc dân sự được giải quyết khi cơ quan, tổ chức, cá nhân tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một yêu cầu làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự. 

Kết quả giải quyết việc dân sự được thể hiện bằng việc Tào án ban hành quyết định giải quyết việc dân sự.

2. Cách thức giải quyết vụ án dân sự

Vụ án dân sự được giải quyết khi cơ quan, tổ chức, cá nhân tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Vụ án dân sự được giải quyết thông qua việc xét xử tại Tòa án qua các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và có thể giám đốc thẩm, tái thẩm.

Kết quả giải quyết vụ án dân sự được thể hiện bằng việc Tòa án tuyên bản án hoặc ban hành quyết định mang tính bắt buộc thực hiện nghĩa vụ đối với các đương sự.

Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

Theo Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật áp dụng được giải quyết như theo các nguyên tắc như sau:

1. Việc áp dụng tập quán

Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự.

Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng.

Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự.

Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

2. Việc áp dụng tương tự pháp luật

Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Dân sự và khoản 1 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

3. Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng 

Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự.

Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố.

Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự

1. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Trong đó:
  • Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
  • Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
  • Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
  • Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
  • Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

  • Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
  • Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
  • Trường hợp khác do luật quy định.

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

  • Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  • Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
  • Các bên đã tự hòa giải với nhau.

Kết luận

ldlawyer thân gửi đến quý bạn đọc chi tiết về vụ việc dân sự là gì. Theo dõi website ldlawyer.vn để cập nhật những bài viết về pháp lý của Luật sư.

Dịch vụ tương tự
Đăng ký tư vấn miễn phí

Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc

  • Hotline tư vấn và hỗ trợ: 0979.18.28.78
zalo L&D Lawyer