Chứng Cứ Trong Tố Tụng Dân Sự

Tìm hiểu quy định chung về chứng cứ; nguồn, cách thức thu thập, giao nộp, tiếp cận, công khai và đánh giá chứng cứ trong tố tụng dân sự.
Tìm hiểu về chứng cứ trong tố tụng dân sự, nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự, xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự, thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự và những lưu ý về chứng cứ trong tố tụng dân sự.
Chứng Cứ Trong Tố Tụng Dân Sự L&D Lawyer

Chứng cứ là yếu tố quan trọng, giữ vai trò mấu chốt trong quá trình giải quyết một vụ án. Trong tố tụng dân sự thì vấn đề chứng cứ và chứng minh là những vấn đề rất quan trọng, quyết định đến việc giải quyết đúng đắn một vụ án dân sự. Xác định tài liệu, đồ vật nào là chứng cứ, có giá trị chứng minh và việc sử dụng chứng cứ, đánh giá chứng cứ như thế nào trong quá trình tố tụng sẽ quyết định đến việc giải quyết đúng đắn vụ án dân sự. Bài viết này, Idlawyer sẽ đưa đến các bạn đọc chi tiết về chứng cứ trong tố tụng dân sự.

CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

1. Chứng cứ trong tố tụng dân sự là gì?

Chứng cứ trong tố tụng dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định sự thật khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Điều kiện để được xem là chứng cứ trong vụ án dân sự gồm:

  • Tính khách quan của chứng cứ - “là những gì có thật”: Điều đó có nghĩa rằng chứng cứ là những thông tin, tài liệu, đồ vật khách quan, tồn tại độc lập không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Các thông tin, tài liệu, đồ vật đó phù hợp với các tình tiết của vụ án đang được chứng minh.
  • Tính liên quan: Không phải tất các thông tin, tài liệu thu thập được đều là chứng cứ mà chỉ các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án, tức là được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án mới được xem là chứng cứ.
  • Tính hợp pháp: Chứng cứ được xác định bằng nguồn nhất định theo quy định của pháp luật. Những thông tin, tài liệu, đồ vật tuy tồn tại trong thực tế và có liên quan đến vụ án nhưng không được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định thì không được coi là chứng cứ. Bên cạnh đó, chứng cứ phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Việc không tuân thủ theo quy định về các biện pháp thu thập chứng cứ sẽ làm mất giá trị chứng minh của chứng cứ.

2. Nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, mang giá trị chứng minh trong vụ án, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến việc giải quyết vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Thông qua nguồn chứng cứ, các bên hoặc, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đánh giá, kết luận các vấn đề của tranh chấp, từ đó đưa ra kết quả giải quyết tranh chấp có cơ sở.

   Nguồn chứng cứ được hiểu là nơi rút ra các chứng cứ. Tòa án chỉ có thể thu thập nguồn chứng cứ, từ đó rút ra chứng cứ. Bất kỳ loại chứng cứ nào cũng nằm trong nguồn chứng cứ nhất định, nhưng không có nghĩa là khi thu thập một nguồn chứng cứ nào thì đó nhất thiết trong đó sẽ chứa đựng chứng cứ.

Theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chứng cứ trong tố tụng dân sự được thu thập từ các nguồn sau đây:

  • Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
  • Vật chứng;
  • Lời khai của đương sự;
  • Lời khai của người làm chứng;
  • Kết luận giám định;
  • Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
  • Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
  • Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
  • Văn bản công chứng, chứng thực;
  • Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung thêm một nguồn chứng chứng cứ rất quan trọng là văn bản công chứng, chứng thực mà trước đây chưa được coi là nguồn chứng cứ chính thức mà thường phải xác định thông qua các nguồn chứng cứ khác. Đồng thời, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng đã loại bỏ nguồn chứng cứ là tập quán – một quy định trước đây đã gây rất nhiều tranh cãi.

3. Xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự

Xác định chứng cứ trong tố tụng dân sự là quy định liên quan đến chứng minh chứng cứ lần đầu tiên được ghi nhận tại Bộ luật tố tụng dân sự 2004.

Chứng cứ là một vấn đề quan trọng trong thủ tục tố tụng, được người tiến hành tố tụng cùng với đương sự quan tâm trong quá trình giải quyết vụ việc. Chứng cứ muốn được sử dụng để chứng minh thì phải đáp ứng một số điều kiện nhất định đối với mỗi loại khác nhau.

Chứng cứ trong Tố tụng Dân sự được quy định như sau:

  • Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
  • Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
  • Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
  • Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
  • Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.
  • Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
  • Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
  • Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
  • Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
  • Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
  • Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.

4. Thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự

Thu thập chứng cứ là bước quan trọng trong hoạt động giải quyết vụ việc dân sự. Có thể hiểu, thu thập chứng cứ là việc phát hiện, tìm ra các chứng cứ, tập hợp đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự để nghiên cứu, đánh giá và sử dụng giải quyết vụ việc dân sự. Pháp luật về thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự được quy định như sau:

Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ bằng những biện pháp sau đây:

  • Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử;
  • Thu thập vật chứng;
  • Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng;
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý;
  • Yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng;
  • Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ;
  • Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản;
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp cụ thể sau:

  • Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
  • Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
  • Trưng cầu giám định;
  • Định giá tài sản;
  • Xem xét, thẩm định tại chỗ;
  • Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
  • Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
  • Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.

Thứ ba, Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án khi tiến hành các biện pháp: (i) Trưng cầu giám định; (ii) Định giá tài sản; (iii) Xem xét, thẩm định tại chỗ; (iv) Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; (v) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;

Thứ tư, trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, Thẩm tra viên có thể tiến hành các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp: (i) Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; (ii) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự; (iii) Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;

Khi Thẩm tra viên tiến hành biện pháp Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự: Tòa án phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án.

Thứ năm, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Thứ sáu,Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

5. Một số lưu ý về chứng cứ trong tố tụng dân sự

Liên quan đến chứng cứ trong tố tụng dân sự cần lưu ý những nội dung sau:

5.1. Ai có quyền thu thập, đánh giá chứng cứ trong tố tụng dân sự?

Theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chủ thể có thẩm quyền thu thập chứng cứ bao gồm:

  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Đương sự trong vụ án dân sự;
  • Chủ thể có thẩm quyền đánh giá chứng cứ: cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

5.2. Tin nhắn chụp màn hình thì được xem là chứng cứ trong tố tụng dân sự không?

Căn cứ theo Điều 10 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định về thông điệp dữ liệu cụ thể như sau: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác." Và Điều 11 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định rõ về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu như sau: “Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu."

Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định rằng thông điệp dữ liệu (hay còn gọi là dữ liệu điện tử) là một trong số các nguồn của chứng cứ. Như vậy, tin nhắn cũng được xem là chứng cứ trong tố tụng dân sự nếu thỏa mãn đủ các điều kiện để được xem là chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Kết luận

Chứng cứ trong tố tụng dân sự giúp Tòa án xác định, làm rõ được các sự kiện, tình tiết của vụ án, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án dân sự trở nên đúng đắn. Khi phát sinh tranh chấp, việc thu chứng cứ trong tố tụng dân sự để chứng minh cho yêu cầu hoặc ý kiến phản bác của đương sự là vô cùng quan trọng, quyết định đến việc quyền lợi hợp pháp của đương sự có được bảo vệ hay không. Vì vậy, khi thực hiện các hoạt động liên quan đến chứng cứ trong tố tụng dân sự như xác minh, thu thập chứng cứ, các bên nên có sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật sư để hạn chế thấp nhất rủi ro cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Theo dõi website ldlawyer.vn để cập nhật những bài viết về pháp lý của Luật sư.

Dịch vụ tương tự
Đăng ký tư vấn miễn phí

Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc

  • Hotline tư vấn và hỗ trợ: 0979.18.28.78
zalo L&D Lawyer