Bài viết dưới đây của ldlawyer sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quy định pháp luật về tạm ngừng phiên tòa dân sự.
Tạm ngừng phiên tòa là một một hành vi tố tụng do Hội đồng xét xử vụ án dân sự thực hiện khi xuất hiện các tình huống do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định. Việc tạm ngừng phiên tòa có thể diễn ra cả tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm. Quy định về tạm ngừng phiên tòa khác với quy định về hoãn phiên tòa.
Như vậy, tạm ngừng phiên chỉ xuất hiện khi vụ án đang được xét xử và xuất hiện các tình huống luật định.
Thủ tục tạm ngừng phiên tòa có những đặc điểm sau:
Có thể thấy, quy định về tạm ngừng phiên tòa nhằm hạn chế việc Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa nhiều lần, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án dân sự. Đồng thời, quy định này cũng góp phần làm hạn chế tình trạng tòa án cấp trên hủy hoặc sửa bản án, quyết định của tòa án cấp dưới do vi phạm thủ tục tố tụng.
Theo Điều 259, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng.
Khi phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm đang diễn ra, vì lý do sức khỏe hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng, không thể tiếp tục phiên tòa mà không thể thay thế thì Hội đồng xét xử sẽ tạm ngừng phiên tòa.
Việc tạm ngừng phiên tòa trong trường hợp này xuất phát từ nguyên nhân nằm ngoài ý dự liệu của Hội đồng xét xử, phiên tòa buộc phải tạm dừng để đảm bảo quy định về thành phần Hội đồng xét xử, sự có mặt của Kiểm sát viên.
2. Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt.
Trong trường hợp người tham gia tố tụng không thể tiếp tục phiên tòa do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử sẽ tạm ngừng phiên tòa.
Tương tự như như căn cứ tại mục 1 nêu trên, việc vắng mặt của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong trường hợp này cũng nằm ngoài ý chí chủ quan của họ. Việc tạm ngừng phiên tòa sẽ đảm bảo quyền lợi của đương sự và giúp việc đánh giá lời khai, chứng cứ của vụ án được chính xác, khách quan.
3. Trường hợp cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
Thông qua việc hỏi, tranh luận, trình bày ý kiến tại phiên tòa, xuất hiện các tài liệu, chứng cứ có thể tác động trực tiếp việc xác định sự thật khách quan của vụ án hoặc tình tiết mới khiến kết quả giải quyết vụ án tại giai đoạn phúc thẩm khác đi so với bản án sở thẩm, lúc này Hội đồng xét xử sẽ tạm ngừng phiên tòa để thực hiện việc xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ.
4. Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại.
Tương tự với quá trình xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ, kết quả giám định bổ sung, giám định lại cũng có thể làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Vậy nên, để có thời gian chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại thì Hội đồng xét xử phải tạm ngừng phiên tòa.
5. Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải.
Hòa giải là nguyên tắc cơ bản của Tố tụng dân sự, Tòa án sẽ tạo mọi điều kiện để các bên hòa giải, ngay cả khi phiên tòa đang diễn ra, nếu các đương sự thống nhất và đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải thì Hội đồng xét xử sẽ chấp thuận tạm ngừng phiên tòa.
6. Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Hội đồng xét xử sẽ tạm ngừng phiên tòa để báo cáo Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án và có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự, việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.
Như vậy, thời gian phiên tòa tạm ngưng được coi là việc xét xử vụ án đang diễn ra, các thành viên Hội đồng xét xử không được xét xử vụ án khác trong thời gian này.
Cần lưu ý rằng, khi phiên tòa tiếp tục sau thời gian tạm ngừng, việc các đương sự vắng mặt không được coi là vắng mặt lần thứ nhất để hoãn phiên tòa mà phiên tòa sẽ được tiếp tục, nếu có đương sự vắng mặt thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt họ.
Tạm ngừng phiên tòa là quy định lần đầu tiên được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quy định này giúp Hội đồng xét xử linh hoạt trong việc giải quyết vụ án, hạn chế việc hoãn phiên tòa dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Kết luận:
Trên đây là những phân tích của Luật sư về việc tạm ngừng phiên tòa dân sự. Hãy theo dõi website ldlawyer.vn để xem thêm các bài viết khác về pháp lý nhé!
Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc