Quyền dân sự là gì?

Tìm hiểu chi tiết về quyền dân sự, đặc điểm của quyền dân sự, phân loại quyền dân sự, căn cứ xác lập quyền dân sự, các phương thức bảo vệ quyền dân sự.
Quyền dân sự là một trong các quyền quan trọng của con người được quy định tại Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành. Với sự ảnh hưởng của nhóm quyền dân sự đến đời sống cộng đồng và nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi chính đáng đó, hàng loạt các văn bản pháp luật mang tầm quốc tế và quốc gia được ban hành đã ghi nhận quyền dân sự nhằm khẳng định sự tôn trọng, đề cao và bảo vệ quyền, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xâm phạm của các chủ thể đến sự hưởng thụ quyền dân sự của cá nhân đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý trong trường hợp có vi phạm xảy ra.
Quyền dân sự là gì? L&D Lawyer

Vậy quyền dân sự là gì? Bài viết này, Idlawyer sẽ đưa đến các bạn đọc chi tiết về quyền dân sự.

Quyền dân sự

Quyền dân sự là gì?

Hiện nay, trong khoa học pháp lý cũng như trong pháp luật thực định ở Việt Nam chưa đưa ra khái niệm “quyền dân sự” mà chỉ dừng lại ở khái niệm “quyền”. Mặc dù vậy, có thể định nghĩa: 

Quyền dân sự là khả năng xử sự của các chủ thể trong quan hệ dân sự do pháp luật quy định nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của các chủ thể.

Có thể hiểu, quyền dân sự là những quyền và lợi ích cơ bản mà con người được hưởng do pháp luật công nhận và bảo vệ. Quyền dân sự là những quyền cơ bản của con người, là điều kiện để con người phát triển toàn diện.

Theo đó, các quyền dân sự được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo theo Hiến pháp cũng như pháp luật. Và quyền này chỉ bị hạn chế trong trường hợp vì lý do quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà phải bị hạn chế. Mỗi chủ thể khác nhau thì sẽ có quyền dân sự khác nhau, được thực hiện theo ý chí của chính nhưng không được trái với quy định của Luật và đạo đức xã hội.

Đặc điểm của quyền dân sự

Thứ nhất, quyền dân sự mang đặc trưng của một quan hệ dân sự đó là tính bình đẳng, tự do, tự nguyện của các chủ thể trong việc xác lập, thay đổi, đình chỉ các quan hệ giữa các chủ thể (cá nhân, pháp nhân) với nhau. Quyền dân sự chủ yếu phát sinh giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với pháp nhân và pháp nhân với pháp nhân, được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, tự do ý chí nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của họ.

Thứ hai, quyền dân sự được hình thành từ những nguồn khác nhau, cụ thể:

  • Quyền dân sự do luật định. Các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được ghi nhận một các cụ thể trong các quy định của pháp luật như: quyền bí mật đời tư, quyền về hình ảnh, quyền sở hữu tài sản…
  • Quyền dân sự do các bên xác lập trên cơ sở hợp đồng hoặc các hành vi pháp lý đơn phương.
  • Các quyền dân sự thông thường do các chủ thể tự nguyện thực hiện mà không cần sự can thiệp của Nhà nước.
  • Việc giới hạn quyền dân sự phải tuân theo những nguyên tắc pháp lý chặt chẽ mà không thể tùy tiện.

Các loại quyền dân sự

Quyền dân sự bao gồm các quyền sau:

1. Quyền nhân thân

- Quyền được sống;

- Quyền được tự do cá nhân;

- Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín;

- Quyền được tự do ngôn luận, báo chí, thông tin;

- Quyền được tự do đi lại, cư trú;

- Quyền được kết hôn;

- Quyền được học tập.

2. Quyền tài sản

- Quyền sở hữu;

- Quyền thừa kế;

- Quyền kinh doanh;

- Quyền được hưởng thành quả lao động;

Các chủ thể trong đời sống dân sự có quyền bình đẳng với nhau, mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật; không ai được phân biệt đối xử vì lý do dân tộc, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội,...

Trong quan hệ dân sự, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được cưỡng ép theo hoặc bỏ một tôn giáo nào.

Căn cứ xác lập quyền dân sự

Quyền dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:

  • Hợp đồng.
  • Hành vi pháp lý đơn phương.
  • Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật.
  • Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
  • Chiếm hữu tài sản.
  • Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
  • Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
  • Thực hiện công việc không có ủy quyền.
  • Căn cứ khác do pháp luật quy định.

Các phương thức bảo vệ quyền dân sự

Pháp luật đặt ra các phương thức sau để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể trong xã hội:

1. Tự bảo vệ quyền dân sự 

Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo Bộ luật dân sự năm 2015, các luật khác có liên quan. 

Việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự . 

2. Bồi thường thiệt hại

Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm quyền dân sự có quyền: 

  • Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình. 
  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai. 
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ. 
  • Buộc bồi thường thiệt hại. 
  • Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. 
  • Yêu cầu khác theo quy định của luật.

Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền

Các chủ thể trong hoạt động dân sự có thể bảo vệ quyền của mình thông qua các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể:

  • Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. 
  • Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. 
  • Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. 
  • Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này tòa án sẽ áp dụng tập quán hoặc áp dụng tương tự pháp luật. Trong đó:
  • Áp dụng tập quán: Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. 
  • Áp dụng tương tự pháp luật: Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Kết luận

Như vậy, có thể thấy, quyền dân sự là tất cả những quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân… được bảo vệ và đảm bảo bởi pháp luật. Quyền dân sự là một quyền rất quan trọng trong đời sống của con người. Mọi chủ thể cần nắm rõ về quyền dân sự của mình để vận dụng trong cuộc sống cũng như biết cách bảo vệ trước các hành vi xâm phạm.

Dịch vụ tương tự
Đăng ký tư vấn miễn phí

Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc

  • Hotline tư vấn và hỗ trợ: 0979.18.28.78
zalo L&D Lawyer