Thủ Tục & Quy Trình Thi Hành Án Dân Sự Thực Hiện Ra Sao?

Quy trình thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để thực thi hành Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên thực tế
Quy trình thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để thực thi hành Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên thực tế
Thủ Tục & Quy Trình Thi Hành Án Dân Sự Thực Hiện Ra Sao? L&D Lawyer

Quy trình thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để thực thi hành Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên thực tế. Việc đặt ra quy trình thi hành án dân sự giúp quá trình thi hành án được diễn ra nhanh chóng, chính xác và đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật. Bài viết này, ldlawyer sẽ phân tích rõ quy định của pháp luật về quy trình thi hành án dân sự.

Quy trình thi hành án dân sự là gì?

Quy trình thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục do pháp luật thi hành án dân sự quy định được thực hiện bởi Cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người phải thi hành án và các tổ chức, cá nhân khác để thi hành Bản án, Quyết định của Tòa án, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và Trọng tài thương mại. Quy trình thi án dân sự được bắt đầu kể từ thời điểm Bản án hoặc Quyết định của các cơ quan nêu trên có hiệu lực pháp luật.

Thủ Tục & Quy Trình Thi Hành Án Dân Sự Thực Hiện Ra Sao?
Quy trình thi hành án dân sự là gì?

Đặc điểm của quy trình thi hành án dân sự

Quy trình thi hành án dân sự có các đặc điểm cơ bản như sau:

Mang tính quyền lực Nhà nước

Mọi hoạt động trong quy trình thi hành án dân sự phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Các chủ thể có liên quan phải chấp hành các quyết định của Cơ quan thi hành án. Cơ quan Thi hành án được áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thi hành án, các hành vi cố tình chống đối thi hành án có thể bị khởi tố về hình sự.

Đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận trong quan hệ dân sự

Trong quá trình thi hành án dân sự, các đương sự được quyền tự nguyện thi hành án, được thỏa thuận thi hành án. Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định kết quả thi hành án theo thỏa thuận của các bên về việc thi hành nếu không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì được công nhận.

Việc tự nguyện trong quy trình thi hành án dân sự được thực hiện tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án thì người được thi hành án có 10 ngày để tự nguyện thi hành án.

Tuy nhiên, mặc dù còn trong thời hạn tự nguyện thi hành án nhưng xét thấy nếu cần phải ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn để đảm bảo thi hành án.

Thủ Tục & Quy Trình Thi Hành Án Dân Sự Thực Hiện Ra Sao?
Đặc điểm của quy trình thi hành án dân sự

Thẩm quyền thi hành án trong thi hành án dân sự

Theo Khoản 2 Điều 13 Luật Thi hành án dân sự, Cơ quan trực tiếp thi hành án dân sự gồm:

  • Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh được gọi là Cục thi hành án dân sự;

  • Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện được gọi là Chi cục thi hành án dân sự;

  • Cơ quan thi hành án cấp quân khu.

Cục thi hành án dân sự và Chi cục thi hành án dân sự thuộc sự quản lý nhà nước của Tổng cục thi hành án dân sự.

Thẩm quyền quyền thi hành án dân sự được quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể như sau:

Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

  • Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

  • Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;

  • Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;

  • Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.

Thủ Tục & Quy Trình Thi Hành Án Dân Sự Thực Hiện Ra Sao?
Thẩm quyền thi hành án trong thi hành án dân sự

Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

  • Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trên cùng địa bàn;

  • Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao;

  • Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;

  • Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

  • Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;

  • Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

  • Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác;

  • Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;

  • Bản án, quyết định quy định có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.

Cơ quan thi hành án dân sự cấp quân khu có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:

  • Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự quân khu và tương đương trên địa bàn;

  • Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự khu vực trên địa bàn;

  • Quyết định về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, xử lý vật chứng, tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án quân sự trung ương chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

  • Quyết định dân sự của Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu;

  • Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, cơ quan thi hành án cấp quân khu khác ủy thác.

Đương sự trong quy trình thi hành án dân sự

Đương sự trong quy trình thi hành án dân sự là các cá nhân, tổ chức có quyền lợi hoặc nghĩa vụ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thi hành án. Theo quy định tại Điều 3 Luật Thi hành án dân sự, đương sự trong quy trình thi hành án dân sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.

Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.

Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.

Thủ Tục & Quy Trình Thi Hành Án Dân Sự Thực Hiện Ra Sao?
Đương sự trong quy trình thi hành án dân sự

Quy trình thi hành án dân sự

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, quy trình thi hành án dân sự được mô tả như sau:

Bước 1: Yêu cầu thi hành án dân sự

Để bắt đầu quy trình thi hành án án dân sự, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định phải thực hiện việc yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự.

Việc yêu cầu thi hành án có thể thực hiện bằng hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc người yêu cầu cũng có thể trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án.

Tuy nhiên, trong các trường hợp thi hành sau đây thì quy trình thi hành án dân sự bắt đầu từ việc cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án:

  • Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án
  • Trả lại tiền, tài sản cho đương sự
  • Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản
  • Các khoản thu khác cho Nhà nước
  • Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước
  • Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định của Tòa án giải quyết phá sản

Bước 2: Ra quyết định thi hành án dân sự

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án đối với trường hợp thi hành án theo yêu cầu hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định đối với trường hợp thi hành án chủ động và 03 ngày làm việc đối với việc thi hành Quyết định giải quyết phá sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án.

Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án ngay.

Bước 3: Gửi quyết định, thông báo về thi hành án

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về thi hành án, Cơ quan thi hành án phải gửi các quyết định này cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và thông báo Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.

Đối với Quyết định cưỡng chế thi hành án, cơ quan Thi hành án phải gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

Việc thông báo các quyết định, văn bản liên quan đến thi hành án có thể được thực hiện theo các hình thức sau đây:

  • Thông báo trực tiếp;

  • Niêm yết công khai;

  • Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thủ Tục & Quy Trình Thi Hành Án Dân Sự Thực Hiện Ra Sao?
Quy trình thi hành án dân sự

Bước 4: Thi hành án

Sau khi cơ quan thi hành án ban hành và hoàn tất thủ tục gửi, thông báo quyết định, các văn bản liên quan đến thi hành án, người được thi hành án có thời hạn 10 ngày để tự nguyện thi hành án. Nếu hết thời hạn tự nguyện mà người phải thi hành án không thi hành thì Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành các thủ tục để thi hành án.

Tại bước này, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, trường hợp có người phải thi hành có tài sản mà không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế.

Cơ quan thi hành án có thể áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án như sau: 

  • Phong tỏa tài khoản;

  • Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

  • Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

Cơ quan thi hành án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Bên cạnh đó, tại bước này, căn cứ vào điều kiện thi hành án và tình hình thực tế, cơ quan thi hành án có thể thực hiện các hoạt động như: Hoãn thi hành án; đình chỉ, tạm đình chỉ thi hành án; ra quyết định chưa đủ điều kiện thi thi án và xác minh lại điều kiện thi hành án; ủy thác thi hành án, tạm hoãn xuất cảnh người phải thi hành án,...

Bước 5: Kết thúc quy trình thi hành án dân sự

Khi đương sự trong quy trình thi hành án dân sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình hoặc khi Cơ quan thi hành án có quyết định đình chỉ thi hành án thì việc thi hành án kết thúc.

Khi kết thúc quy trình thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự.

Kết luận

Trên đây là những vấn đề cơ bản của quy trình thi hành án dân sự. Việc nắm được quy trình thi hành án dân sự sẽ giúp các bên hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thi hành án. Hãy theo dõi website ldlawyer.vn để cập nhật các bài viết khác của Luật sư về vấn đề thi hành án dân sự.

Dịch vụ tương tự
Đăng ký tư vấn miễn phí

Vui lòng điền các thông tin dưới đây. Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong 24h làm việc

  • Hotline tư vấn và hỗ trợ: 0979.18.28.78
zalo L&D Lawyer